Tìm hiểu về nấm rơm

13 Tháng 09, 2020 6 phút đọc

Bài này cung cấp những thông tin về nấm rơm, giá trị dinh dưỡng, tác dụng và những lưu ý khi sử dụng nấm rơm.

Nấm rơm tiếng Anh là Straw Mushrooms, thường mọc ở các làng quê, nơi có nhiều rơm rạ hoặc đất mùn có độ ẩm cao, trồng được quanh năm nhưng nhiều nhất là tháng 7-8, có chu kỳ sinh trưởng rất nhanh chỉ từ 10-15 ngày.

Người ta thường thu hoạch nấm rơm ở giai đoạn 4 (trong 6 giai đoạn của chu kì sống: nụ, hình nút nhỏ, hình nút, hình trứng, hình chuông kéo dài và trưởng thành - nở xòe) khi nấm rơm có hình trứng bởi lúc này nấm dai và có hương vị thơm ngon nhất.

Giá trị dinh dưỡng của nấm rơm

Thành phần chính của nấm rơm là nước (91%), chất đạm (4%), carb (5%)... Trong 100g nấm rơm khô có 21-37g đạm, đặc biệt các loại đạm này lại chứa nhiều các acid amin cần thiết mà cơ thể không thể tự tổng hợp được, cao hơn đậu tương và thịt bò), chất béo chỉ từ 2,1-4,6g, chất xơ 21g, bột đường 9,9g cùng các Vitamin A, B1, B2, C, D... và các yếu tố vi lượng khác như canxi, sắp, photpho.

Nấm rơm là thực phẩm bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe vì chứa nhiều đạm, rất ít chất béo, giàu Vitamin và đặc biệt không chứa Cholesterol.

Tuy giàu dinh dưỡng nhưng 100g nấm rơm tươi chỉ cung cấp 32calo (rất thấp) nên những người giảm cân hoàn toàn có thể sử dụng. Nấm rơm trên thị trường chỉ có giá trên dưới 100.000đ/1kg.

Tác dụng của nấm rơm

Nấm rơm giúp giảm cholesterol trong máu, hỗ trợ hệ tiêu hóa đồng thời nâng cao khả năng chống ung thư nếu ăn nấm rơm thường xuyên nhờ 1 hoạt chất protid dị chủng có trong chúng.

Trong đông y, nấm rơm có vị ngọt, tính hàn, bổ tỳ, ích khí, tiêu thực, khử nhiệt. Một số nơi còn dùng nấm rơm làm thuốc để chữa bệnh thiếu máu, liệt dương, béo phì, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.

Nấm rơm xào thịt ếch hoặc thịt chim sẻ ăn lúc nóng có tác dụng kích thích ham muốn.

Liên kết tham khảo:

Nấm rơm trong nấu ăn

Nấm rơm không độc lại giàu dinh dưỡng nên được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực, đặc biệt là những người ăn chay lại càng không thể thiếu loại nấm này. Thường thấy nhất là nguyên liệu cho các món lẩu và nhiều món ăn khác như:

  • Canh nấm rơm
  • Gà nấu nấm rơm
  • Ruốc nấm (nấm hương phổ biến hơn)
  • Cháo nấm rơm
  • Nấm rơm xào thịt bò
  • Nấm rơm xào chay
  • Nấm rơm kho đậu hũ

Một số lưu ý khi chế biến nấm rơm

Nấm rơm khi rửa dễ đọng lại nhiều nước bên trong các kẽ, nếu không chú ý điều này có thể ảnh hưởng đến hương vị một số món ăn cần độ chính xác cao về tỷ lệ nguyên liệu. Bên cạnh đó, nấm cũng mềm nên khi rửa cần nhẹ nháng, tránh dập nát. Vết dập nát khi tiếp xúc với không khí sẽ để lại vết thâm.

Nấm rơm nhanh chín và vì thế cũng dễ cháy. Hãy dùng nhiều dầu hơn 1 chút ở những món chiên, xào.

Nấm rơm tươi chứa rất nhiều nước, khi chín sẽ quắt lại đôi phần nên khi chế biến đừng thái quá nhỏ nếu bạn không muốn chúng bị nát khi đảo với thức ăn.

Kỹ thuật trồng nấm rơm

Nấm rơm dễ trồng lại có chu kỳ sinh trưởng nhanh, chỉ từ 10-12 ngày trong điều kiện thuận lợi ở nhiệt độ từ 30-32°C, độ ẩm 65-70%, pH=7 và độ ẩm khoảng 80% nên được nuôi trồng quanh năm.

Để trồng nấm rơm người ta làm ướt rơm rạ bằng nước vôi rồi vun thành đống. Ủ 4-6 ngày, 2-4 ngày đảo lại 1 lần. Lúc này rơm sẽ đủ ướt (khi vắt có nước chảy thành giọt là được).

Tiếp theo, trải rơm thành luống hoặc đặt rơm vào khuôn có độ dày 35-40cm. Cứ 10-12cm chiều cao rơm lại cấy 1 lớp giống chạy theo chiều dài luống cách mép 4-5cm. Một luống thường sẽ làm 3 lớp rơm như vậy.

3-5 ngày đầu không cần tưới nước. Những ngày tiếp theo kiểm tra độ ẩm và phun nước dạng sương 3-4 lần/ngày tránh làm tổn thương nấm. Đến ngày thứ 7-8 sẽ xuất hiện nấm con, 3-4 ngày sau nấm lớn nhanh bằng quả trứng là có thể thu hoạch.

Xem thêm về kỹ thuật trồng nấm rơm tại website của hội nông dân thành phố Cần Thơ: https://hoinongdan.cantho.gov.vn/?tabid=167&ndid=155

Bài viết này có hữu ích với bạn không?
cutlery cutlery icon