Tìm hiểu về đường thốt nốt

09 Tháng 09, 2020 16 phút đọc

Đường thốt nốt có màu vàng sậm, vị ngọt thanh và thơm dịu, được dùng để nấu chè, pha chế nước giải khát... Loại đường này rất tốt cho sức khỏe và đặc biệt hỗ trợ quá trình giảm cân, kiểm soát cân nặng.

Đường thốt nốt là gì?

Đường thốt nốt là loại đường được làm từ chất dịch lỏng có trong bông hoa đực của cây Thốt nốt. So với đường mía, đường phèn hay đường củ cải, đường thốt nốt có vị ngọt dịu và mùi thơm thanh hơn, khi ăn cũng mát hơn.

Ngày nay, loại đường hiện nay được sử dụng khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày.

cây thốt nốt
Cây thốt nốt

Cây thốt nốt thuộc họ Cau, còn có tên gọi khác là cây bối đa, đây là loại cây cao đến 30m và có tuổi thọ trung bình 20 - 30 năm. Ở nước ta, cây thốt nốt được trồng nhiều nhất ở An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh và Kiên Giang. Trong đó, đường thốt nốt được xem là đặc sản của vùng đất An Giang và mỗi khi nhắc tới, người ta cũng thường hay nói đến đường thốt nốt An Giang nhiều hơn các địa phương khác.

Để thu được chất dịch từ nhụy hoa thốt nốt, người ta sẽ cắt 1 phần đầu bông hoa đực sau đó buộc 1 chiếc túi/ống tre sạch/can nhựa nhỏ vào bông hoa để thu được dịch chảy ra. Công việc này sẽ bắt đầu từ chiều tối hôm trước và sẽ thu hoạch vào sáng sớm ngày hôm sau. Nếu kéo dài thời gian thu hoạch từ tối hôm trước đến chiều tối hôm sau thì chất dịch này sẽ có vị chua, để lâu hơn thì nó sẽ lên men và được dùng để ủ rượu hoặc nước uống có cồn.

Hoa thốt nốt đực có đường kính trung bình từ 20-30cm và mỗi bông sẽ thu được khoảng 1 lít dịch nước. Chất dịch này có vị ngọt mát và thơm nhẹ.

Cách làm đường thốt nốt

Quá trình từ thu hoạch đến làm đường thốt nốt hiện nay chủ yếu vẫn là thủ công.

Sau khi thu được chất dịch từ nhụy hoa thốt nốt đực, trong 24h sau đó phải tiến hành làm đường nếu không nước dịch sẽ bị chua và lên men. Đường thốt nốt được ngào trong chảo lớn, đặt trên lò đất và nấu bằng thân cây thốt nốt già đã phơi khô.

Theo đó, người ta sẽ cho vào chảo nấu cô đặc lại thành hỗn hợp sền sệt (thường gọi là đường thốt nốt dạng chảy), sau đó hạ nhiệt độ hoặc nhấc ra khỏi lò, tiếp tục ngào đến khi nó nguội và tạo thành từng hạt đường màu vàng sậm, có mùi thơm mát. Tiếp đến, nếu muốn tán thành viên thì cho đường thốt nốt vào khuôn tròn hoặc vuông để tạo hình. 

Để đường thốt nốt ngon, không bị quá lửa hay non lửa, người thợ làm đường phải điều chỉnh nhiệt độ thật chuẩn. Thời gian làm đường thốt nốt thường rơi vào khoảng từ 3-4 tiếng. Và để làm được 1kg đường thốt nốt trung bình cần phải có 4 lít nước dịch lấy từ nhụy hoa.

hoa thốt nốt
Hoa cây thốt nốt
quả thốt nốt
Quả thốt nốt

Cây thốt nốt có hoa nở quanh năm, tuy nhiên thời điểm để nấu đường thốt nốt được ngon nhất là vào tháng 11 âm lịch đến hết tháng 8-9 âm lịch năm sau. Và mỗi cây thốt nốt vào thời kỳ ra hoa thì chỉ có khoảng 2-3 bông hoa đực cho dịch nước trong và ngọt. 

Theo kinh nghiệm của những người thợ làm đường thốt nốt lâu năm, nếu nước nhụy hoa thơm ngọt và nhiều sẽ cho ra mẻ đường ngon, và có thể tán thành bột hoặc tạo hình viên. Còn nếu ít nước hoặc nước đục thì chỉ dùng để nấu được loại đường thốt nốt dạng chảy.

Quá trình làm đường thốt nốt đòi hỏi phải thật sự tỉ mỉ và tùy theo tay nghề của từng người thợ mà chất lượng đường có thể khác nhau. Điều này cũng lý giải tại sao cùng là đặc sản đường thốt nốt An Giang nhưng có nơi bán giá cao, có nơi lại bán giá thấp.

Cách dùng đường thốt nốt

Đường thốt nốt cho vào nước giải khát, chè hay ngậm trực tiếp luôn trong miệng hoặc để nêm nếm gia vị, nấu đun sôi lên đều được.

Tác dụng của đường thốt nốt

Theo các nhà khoa học, trong đường thốt nốt có chứa hàm lượng nhiều dưỡng chất như Kcalo, Sucrose, Glucose, Protein, chất béo, Sắt, Magie, Kali, Mangan, vitamin B, các khoáng chất như canxi, kẽm... Vậy đường thốt nốt có tác dụng gì đối với sức khỏe của con người?

Thanh lọc, giải độc: 

Sử dụng đường thốt nốt giúp cho đường hô hấp, hệ thống phổi, thực quản, dạ dày được sạch hơn, từ đó giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Tác dụng thải độc làm sạch của đường thốt nốt cũng sẽ giúp cho con người có làn da khỏe khoắn, mịn màng và tươi sáng, cải thiện tình trạng mụn nhọt.

Tăng cường sức khỏe:

Hàm lượng kali có trong đường thốt nốt sẽ giúp quá trình trao đổi chất trong cơ thể cân bằng hơn. Ngoài ra, chất xơ trong đường thốt nốt có công dụng cải thiện và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

Đặc biệt, đường thốt nốt có công dụng rất tuyệt vời đó là bổ sung năng lượng tức thì. Theo đó, khi mệt/kiệt sức, bạn nên ăn đường thốt nốt mà không lo bị tăng lượng đường trong máu hay bị tích trữ lượng đường trong cơ thể vì hợp chất carbohydrate có trong đường thốt nốt sẽ thúc đẩy quá trình tiêu hóa nhanh hơn nhiều so với đường trắng tinh chế thông thường.

Lưu thông máu:

Trong đường thốt nốt có hàm lượng chất sắt khá lớn nên nó sẽ giúp cho cơ thể thanh lọc máu, hạn chế tình trạng rối loạn, thiếu máu và tăng cường lưu thông máu.

Kiểm soát cân nặng:

Đường thốt nốt tăng cường quá trình đốt cháy chất béo, kiểm soát tình trạng giữ nước trong cơ thể, cải thiện cơ bắp... nên nó rất hiệu quả trong việc kiểm soát cân nặng, giữ vóc dáng. 

Chữa trị ho, cảm lạnh:

Vì có tác dụng thanh lọc, giải độc nên đường thốt nốt thường được sử dụng để làm thuốc để tiêu viêm, làm sạch đường hô hấp và phổi.

Ngoài ra, đường thốt nốt có công dụng điều hòa nhiệt độ cơ thể, đặc biệt trong trường hợp bị sốt, cảm lạnh. Bên cạnh đó, tác dụng chống dị ứng của đường thốt nốt cũng được nhiều người nhắc đến và áp dụng.

Cải thiện tình trạng đau khớp:

Theo Đông y, kết hợp dùng đường thốt nốt và gừng sẽ giúp cho tình trạng đau khớp cải thiện rõ rệt. Cùng với đó, tình trạng đau nhức toàn thân cũng sẽ giảm bớt đi nhiều.

Tốt cho phụ nữ mang thai:

Đường thốt nốt rất tốt cho người bị thiếu máu, đặc biệt phụ nữ mang thai. Ngoài ra, đường thốt nốt còn có tác dụng làm giảm tình trạng phù nề vì nó kiểm soát tốt lượng nước trong cơ thể và chất kali có trong đường sẽ đảm nhận nhiệm vụ cân bằng điện giải.

Bên cạnh đó, chất folate có trong đường thốt nốt rất tốt cho sự phát triển của thai nhi. Chính vì vậy, các bà bầu có thể yên tâm khi sử dụng loại đường này. Tất nhiên lượng đường nạp vào cơ thể trong quá trình thai kỳ phải có sự tư vấn kỹ càng của bác sĩ.

Đường thốt nốt chế biến món gì?

Đường thốt nốt có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe của con người nên nó được sử dụng trong quá trình chế biến làm thực phẩm và cả thuốc chữa bệnh. Cụ thể:

Dùng để nấu chè:

bát đường thốt nốt
Bát đường thốt nốt trong công thức nấu chè đậu đỏ

Vị ngọt thanh của đường thốt nốt rất thích hợp để nấu chè hay pha chế các loại nước giải khát. Chưa kể đến, đường thốt nốt giúp cho màu sắc của nồi chè và nước giải khát đẹp mắt và hấp dẫn hơn.

Dùng để làm bánh:

Có thể kể đến như bánh flan, thạch rau câu,... và đặc biệt là bánh Gang, bánh bò thốt nốt nổi tiếng ở An Giang. 

Dùng làm mắm:

Những món mắm nổi tiếng như mắm cá lóc, mắm cá sặc, mắm Châu Đốc... thường được chế biến từ đường thốt nốt kết hợp với các nguyên liệu khác. Ngoài làm mắm, đường thốt nốt còn dùng để pha chế nước chấm cùng với nước mắm, ớt, chanh để tạo thành hỗn hợp sền sệt với đầy đủ vị chua cay mặn ngọt rất đậm đà và đưa miệng.

Dùng để chữa viêm họng:

Khi thấy họng đau và khô, khó chịu thì chỉ cần ngậm 1 cục nhỏ đường thốt nốt sẽ thấy cổ họng dễ chịu hơn rất nhiều.

Dùng đường thốt nốt có tăng cân không?

Với những công dụng kể trên, có thể thấy rằng dùng đường thốt nốt không bị tăng cân. Trái lại, những hàm lượng dưỡng chất có trong đường thốt nốt còn giúp cơ thể thải độc, cải thiện chức năng hệ tiêu hóa, lọc máu và hỗ trợ giảm cân hiệu quả.

Tuy nhiên đường thốt nốt vẫn chủ yếu là đường và có độ ngọt nhất định, chính vì thế không nên lạm dụng với liều lượng quá nhiều/ngày.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chỉ nên tiêu thụ khoảng 5-20g đường thốt nốt/mỗi lần. Còn theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), trung bình mỗi ngày nên sử dụng dưới 40g đường/ngày đối với nam và không quá 30g đường đối với nữ giới. Tuy nhiên, tùy vào thực trạng cơ thể của từng người mà có chế độ bổ sung hoặc điều chỉnh lượng đường cho phù hợp. Chính vì vậy, những người bị tiểu đường, tim mạch, huyết áp,... cần phải tư vấn bác sĩ và có chế độ ăn đường hợp lý để đảm bảo sức khỏe.

Mẹo phân biệt đường thốt nốt thật và đường kém chất lượng

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại đường thốt nốt, mặc dù đều ghi nguồn gốc được sản xuất từ An Giang tuy nhiên về chất lượng thì chưa thể kiểm chứng. Dưới đây Cookbeo sẽ chia sẻ một số cách để phân biệt đường thốt nốt thật, chất lượng và loại đường thốt nốt kém chất lượng để các bạn tham khảo:

Đường thốt nốt thật và chất lượng, được ngào thủ công thì sẽ có màu hơi sậm, có mùi thoang thoảng khét 1 chút. Khi giã đường thấy rất mịn, từng lớp từng lớp bột đường đồng đều. Ngoài ra lúc cho vào miệng sẽ cảm nhận được độ mịn nhuyễn, ngọt thanh xen lẫn chút chua nhẹ và đường tan ra ngay lập tức mà không hề gây cảm giác lợn cợn do hạt đường gây ra.

Trong khi đó đường thốt nốt kém chất lượng sẽ không có mùi thơm của thốt nốt, miếng đường cứng, rất khó để cạo ra. Và khi cắt ra thấy rõ lớp đường hạt lợn cợn chứ không được bột mịn giống như đường thốt nốt thật. Lúc nếm thử thấy có vị ngọt gắt chứ không ngọt dịu và thanh, không có vị chua.

Cách bảo quản đường thốt nốt để không bị chảy nước

Nếu chưa dùng tới, hãy bảo quản đường thốt nốt trong hũ/lọ đã được rửa sạch và lau thật khô ráo và để ở nơi thoáng mát. Lưu ý không nên để đường thốt nốt nơi ẩm ướt, đường sẽ dễ bị chảy nước.

Nếu không có hũ lọ, bạn có thể để lại trong bao bì gốc nhưng phải đặt nơi khô ráo và thoáng mát. Hoặc để tiết kiệm không gian, bạn có thể mua loại túi zip hút chân để bảo quản đường.

Trong trường hợp đường thốt nốt bị ẩm, bạn có thể dùng máy sấy tóc để sấy khô lại, sau đó bảo quản như thông thường. Nhưng nếu đường đã quá ẩm và bị chảy nước thì không nên cố dùng nữa. Bởi nếu dùng đường đã bị hư hoặc chảy nước, có mùi chua thì dễ có nguy cơ bị dị ứng, ngộ độc, suy giảm thị lực...

Thêm 1 lưu ý, khi lấy đường từ trong túi/lọ thì tay bạn hoặc là dụng cụ lấy đường phải khô ráo, tránh dây nước vào sẽ khiến cho đường bị ẩm và chảy nước.

Mua đường thốt nốt ở đâu?

Đường thốt nốt hiện nay được bán nhiều ở các siêu thị, cửa hàng đồ khô, tạp hóa... nên bạn hoàn toàn có thể chủ động mua khi cần.

Đường thốt nốt giá bao nhiêu tiền?

Tùy từng loại và từng cơ sở sản xuất mà giá thành đường thốt nốt có sự khác nhau, cụ thể:

  • Đường thốt nốt tán viên có giá dao động từ 25-50.000 đồng/kg 
  • Đường thốt nốt dạng bột có giá dao động từ 90-170.000 đồng/kg 
  • Đường thốt nốt dạng chảy (nguyên chất) có giá dao động từ 60-180.000 đồng/kg

Một số cơ sở bán đường thốt nốt uy tín: Đường thốt nốt Lan Nhi, Đường thốt nốt Sáu Tâm... đây đều là những cơ sở sản xuất đường thốt nốt An Giang được nhiều người tin dùng.

Bài viết này có hữu ích với bạn không?
cutlery cutlery icon