Cách làm giò thủ giòn sật, thơm bùi và có độ kết dính

06 Tháng 06, 2023

Bí quyết làm giò thủ hay còn gọi là giò xào được giòn, trắng hồng và đặc biệt có độ kết dính với nhau, đông đặc liền thành khối mà không bị khô hay bị rỗ lỗ chỗ sẽ được Cookbeo chia sẻ một cách chi tiết trong bài viết này. Khi áp dụng cách làm giò thủ này, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy thú vị, hài lòng và từ nay sẽ tự tin thực hiện mà không cần phải đi mua giò thủ ở ngoài nữa.

Giò thủ
Giò thủ
Khẩu phần ăn: 6
Thời gian chuẩn bị: 1 giờ
Thời gian nấu: 45 phút

Nguyên liệu

  • 2 tai heo ~ 1000g
  • 1 mũi heo ~ 400-500g
  • 1 lưỡi heo ~ 500g
  • 500g thịt chân giò
  • 10 củ hành khô
  • 1 củ gừng
  • 50-70g mộc nhĩ
  • 10g tiêu sọ
  • Muối hạt
  • Gia vị: Tiêu xay, nước mắm, đường, bột ngọt, bột nêm, rượu trắng
  • Khuôn giò inox (nếu có)
  • Lá chuối (nếu có)

Lưu ý về nguyên liệu

  • Để làm giò thủ thành công thì tỷ lệ nguyên liệu phải đảm bảo gồm có 2 phần tai, 1 phần mũi, 1 phần lưỡi, 1 phần thịt chân giò. Nói vậy để thấy khi làm giò thủ, tai heo, mũi heo và phần bì rất quan trọng, đây là phần nguyên liệu đóng vai trò tiết ra chất nhờn khi xào, tạo độ kết dính, giúp cho giò đóng thành khối liền đặc, ngon và đẹp mắt hơn.   
  • Đối với những người lần đầu làm giò thủ, bạn có thể mua khuôn giò inox để hỗ trợ nhồi giò được tròn đều hơn là gói bằng tay. Nếu không có khuôn, bạn có thể dùng chai nhựa uống nước cũng được, tuy nhiên Cookbeo không khuyến khích các bạn dùng bởi khi gặp thức ăn nóng, chai nhựa hay bị chảy và tạo ra chất độc có tên là monostyren gây hại cho sức khỏe.
  • Nếu không có lá chuối, bạn có thể dùng túi bóng gói chuyên dụng, loại túi bóng này bạn tìm mua ở các cửa hàng bán đồ gia dụng, bếp đều có. Trong trường hợp không mua được, bạn có thể nhồi giò trực tiếp vào khuôn.
  • Giò thủ được làm từ các bộ phận của thủ heo (đầu heo) như tai, mũi, lưỡi, má... sau này cho thêm thịt chân giò để tăng thêm hương vị. Cách làm món giò này là xào tất cả các nguyên liệu trên lại cùng với gia vị như mắm, muối, tiêu nên còn được gọi là giò xào.

Cách làm

Sơ chế nguyên liệu

Tai heo, mũi heo, lưỡi heo, thịt chân giò các bạn bóp muối hạt, rửa thật sạch sẽ. Chú ý cọ sạch các kẽ tai và mũi heo.

thịt thủ lợn
Thịt tai, mũi. lưỡi và chân giò heo

Với lượng nguyên liệu như trên, bạn có thể làm được khoảng 2kg giò thủ.

Hành tím bóc vỏ, thái lát mỏng.

Gừng rửa thật sạch, thái lát hoặc đập dập. Phần lớn dùng gừng để luộc tai, mũi, phần ít còn lại đập dập băm nhỏ để xào cùng thịt.

Mộc nhĩ rửa sạch, đem ngâm nước ấm cho nở mềm. Sau đó rửa lại, để ráo và thái sợi có bản to khoảng 1cm.

tiêu sọ
Tiêu sọ và tiêu xay nên rang qua cho thơm. Tiêu sọ sau khi rang bạn có thể giã thô.

Tiêu sọ có vị cay nhẹ, màu trắng nên giúp cho giò thủ khi xào không bị đen hay quá cay như khi dùng tiêu đen nguyên hạt.

Lá chuối rửa sạch, lau khô. Ngoài miếng lá chuối lót xung quanh thân giò, các bạn nên cắt thêm 2 miếng lá chuối hình tròn để lót dưới đáy và làm nắp đậy bên trên để giò thủ được đẹp mắt hơn.

Lá chuối sau khi rửa sạch, bạn có thể đem nướng qua. Lá chuối nướng khi cuộn giò xào tạo nên 1 thứ hương thơm vô cùng hấp dẫn.

khuôn gói giò thủ
Khuôn gói giò rửa sạch, lau khô.

Chần tai heo, mũi heo và lưỡi heo

Nấu 1 nồi nước, cho vào đó 1-2 thìa canh muối hạt và vài lát gừng tươi để chần thịt sạch, thơm hơn. Khi nước sôi, cho tai heo, mũi heo và lưỡi heo vào để chần trong khoảng 3-4 phút.

Chỉ cần chần tai, mũi và lưỡi, phần thịt chân giò không chần để thịt có độ dẻo, dính khi xào.

Sau khi chần, bạn vớt những nguyên liệu này ra, tiếp tục dùng muối hạt để xát kỹ và xả lại nhiều lần với nước lạnh. Đặc biệt, đối với lưỡi heo, bạn dùng dao cạo sạch phần màng trắng bám ở lưỡi. Tai và mũi cần cạo sạch lông và cặn bẩn ở các kẽ lỗ tai nhỏ.

Luộc tai heo và mũi heo

Tai heo và mũi heo sau khi rửa sạch, bạn cho vào nồi cùng vài lát gừng và hành tím, đổ nước ngập tai và mũi rồi mang đi luộc. Tai và mũi luộc ngập trong nước thì sẽ không bị thâm.

Khi nước sôi, bạn điều chỉnh lại lửa, để sôi liu riu. Thời gian luộc tai heo và mũi heo trung bình khoảng 8-10 phút là tai, mũi chín tới.

Tai heo và mũi heo sau khi luộc bạn vớt ra ngâm vào tô nước đá lạnh có vắt thêm chút nước cốt chanh. Nước chanh đá sẽ giúp tai heo, mũi heo được giòn và trắng hồng, không bị thâm xỉn màu. Sau khi tai và mũi nguội thì vớt ra, rửa lại để trôi đi vị chua của chanh, để thật ráo nước.

Nếu không ngâm chanh đá, sau khi luộc xong bạn vớt tai, mũi ra và xả lại nhiều lần với nước lạnh rồi để ráo.

Không luộc lưỡi heo và thịt chân giò để thịt có độ dẻo khi xào.

Ướp thịt

Tai heo sau khi ráo nước bạn thái thành sợi chỉ, có bản ngang khoảng 0,5cm. Mũi heo, lưỡi heo và thịt chân giò bạn thái thành miếng có độ dày khoảng 0,3-0,5cm.

Không nên thái miếng quá bé, khi xào lên thịt bị vụn trong khi thái miếng quá dày sẽ khó thấm gia vị, lên giò hay bị khô. Ngoài ra, khi thái thịt các bạn thái miếng dài 1 chút để khi nhồi thành giò, thịt cuộn lại sẽ được đẹp mắt hơn.

Sau khi thái xong bạn cho tất cả các nguyên liệu vào một bát lớn để ướp gia vị. Đầu tiên, bạn giã thô tiêu sọ, sau đó giã thêm 5-6 củ hành khô rồi cho vào tô thịt.

Tiếp đến ướp gia vị, gồm có 2,5 thìa canh nước mắm, 2 thìa canh bột nêm, 1 thìa canh đường, 1/2 thìa canh bột ngọt, 1/2 thìa canh muối hạt, 1/2 thìa canh tiêu xay và 1 thìa canh dầu ăn. Trộn đều và để hỗn hợp này thấm gia vị trong khoảng 1 tiếng.

Xào nhân giò thủ

Cho nửa bát con dầu ăn vào chảo hoặc nồi, tiếp đến cho hành tím thái lát và 1 ít gừng băm nhỏ vào phi thơm. Phi đến khi hành và gừng chuyển sang màu vàng mơ thì cho hỗn hợp nhân gồm tai, mũi, lưỡi và thịt chân giò heo vào để xào.

Cá nhân Cookbeo cảm thấy khi xào tai, mũi, lưỡi có thêm chút hương ấm nồng của gừng sẽ rất thơm, bùi và ấm bụng. Nếu không thích, bạn có thể không cho gừng.

Cho dầu ăn nhiều 1 chút để làm mồi cho tai, mũi, bì tiết ra chất nhờn. Bạn đừng lo nhiều mỡ quá sẽ ngấy, bởi vì khi mình nhồi nhân ép giò vào khuôn, lượng dầu mỡ thừa sẽ róc chảy ra hết.

Nếu làm giò thủ ăn luôn trong 1-2 ngày, bạn có thể cho nhiều hành khô để giò xào được thơm. Nếu muốn để lâu, bạn chỉ nên cho ít hành.

Bước xào nhân này rất quan trọng, và điều mà các bạn cần lưu ý chính là mức lửa khi xào thịt. Bạn không nên xào ở lửa quá bé, sẽ làm cho tai, mũi không thể tiết ra nhiều chất nhờn để tạo độ kết dính. Trong khi nếu xào ở lửa quá lớn, phần nhân này rất dễ bị cháy. Chính vì thế, bạn nên chỉnh lửa ở mức vừa. Ví dụ như bếp có 8 chế độ, bạn xào nhân ở mức số 3 là phù hợp.

Khi xào, bạn nhớ đảo đều để nhân không bị dính vào đáy nồi. Các bạn sẽ xào nhân thịt này trong khoảng 13-15 phút, cố gắng đảo liền tay. Nếu như thấy thịt bị khô (do nhiều nguyên nhân như mức lửa hay đảo chưa nhanh tay) bạn có thể cho thêm xíu nước để xào.

Sau khi xào thịt được khoảng 13-15 phút, bạn cho mộc nhĩ vào, tiếp tục xào thêm 5 phút rồi tắt bếp để chuẩn bị sang bước gói giò thủ. Trước khi tắt bếp, bạn cũng có thể nêm lại gia vị vừa ăn. Tuy nhiên với tỷ lệ ướp như Cookbeo đã chia sẻ, giò thủ sẽ khá vừa vị. Nếu muốn đậm thêm các bạn chấm giò cùng với nước mắm ớt.

Nhân giò xào càng nóng thì giò thủ càng có độ kết dính. Quá trình nhồi vào khuôn, để nhân giò không bị nguội, Cookbeo khuyên bạn sau khi xào xong vẫn để chảo trên bếp, bật bếp ở mức nhỏ nhất để giữ độ nóng. Cứ thế vừa cho nhân vào, vừa lèn chặt mà không sợ nhân giò thủ bị nguội. Thỉnh thoảng bạn dùng đũa đảo nhẹ để thịt không bị cháy dính dưới đáy nồi là được.

Làm giò thủ

Bạn lắp khuôn giò theo hướng dẫn, rồi đặt khuôn trên 1 chiếc đĩa sâu lòng để hứng dầu mỡ chảy ra khi nhồi giò. Sau đó lót miếng lá chuối hình tròn xuống đáy và lót lá chuối viền xung quanh khuôn. Lưu ý bạn để mặt trước của lá chuối hướng ra bên ngoài để giò thủ có màu xanh mướt đẹp mắt.

Cho phần nhân giò đang nóng vào khuôn, nén chặt. Ở bước này, Cookbeo xin chia sẻ cho các bạn 1 mẹo rất hay, giúp cho giò thủ chặt vào nhau và có độ kết dính, đó là các bạn có thể dùng chày để lèn nhân xuống. Cứ thế bạn cho nhân vào, lèn chặt. Đến khi thấy nhân cách miệng khuôn khoảng 3cm thì bạn gói mép lá chuối lại và đặt miếng lá chuối hình tròn lên trên.

Cuối cùng bạn lắp bộ phận vít khuôn vào, vít chặt để giò lèn chặt vào nhau. Càng vít chặt, giò thủ càng đông đặc và có độ kết dính. Nhưng không nên cố vít thêm khi giò đã chặt, bởi vì nếu dùng lực mạnh quá thanh vít sẽ bị bung ra và bị cong, hỏng.

Để khuôn giò ở ngoài thật nguội rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh. Sau 5-6 tiếng là giò thủ đã có đông đặc hoàn toàn. 

Lúc này bạn tháo vít khuôn, tháo thanh đỡ phía dưới, dùng tay đẩy giò ra và lấy dao cắt giò thủ thành từng miếng và thưởng thức.

món giò thủ
Thành phẩm món giò thủ

Giò thủ (hay giò xào) rất thơm, đó là hương thơm của nhân thịt, mộc nhĩ quyện với mùi hương khó chối từ của lá chuối. Giò có màu trắng hồng, phần nhân lẫn đều vào nhau và có độ kết dính đặc. Khi ăn giò thủ rất giòn và bùi ngậy.

đĩa giò thủ

Giò thủ ăn không cũng được mà chấm cùng nước mắm, ăn kèm với hành muối hay bắp cải muối chua ngọt hoặc dưa bắp cải vô cùng hợp vị. Đây là món ăn quen thuộc, thường xuất hiện trong những mâm cúng tất niên, mâm cúng ông Táo hay mâm cúng rằm tháng Giêng của người Việt.

món giò thủ ngon

Chính vì vậy, bạn hãy nhanh lưu lại công thức mà Cookbeo đã chia sẻ và thực hiện ngay. Chúc các bạn thành công và đừng quên chia sẻ với Cookbeo thành phẩm của bạn dưới phần bình luận nhé!

Bạn cần hướng dẫn chi tiết và dễ hiểu hơn không? Xem video cách làm Giò thủ.
Bài viết này có hữu ích với bạn không?
cutlery cutlery icon