Cách làm mứt gừng miếng tại nhà, thành công ngay lần đầu

Cách làm mứt gừng không hề khó, thậm chí cá nhân Cookbeo thấy nó đơn giản hơn và có tỷ lệ thành công cao hơn so với làm các loại mứt khác như mứt bí, mứt dừa.

Mứt gừng
Mứt gừng

Chỉ cần bạn chọn được miếng gừng ngon và chú ý 1 chút ở khâu sên mứt, bạn hoàn toàn có thể làm được mứt gừng thơm ngon, đẹp mắt ngay từ lần đầu tiên thực hiện.

món mứt gừng

Vào dịp Tết, trong tiết trời se lạnh, được nhâm nhi lát mứt gừng ngọt dịu, thơm thơm, thoảng chút cay nồng quả thực rất thú vị.

Khẩu phần ăn: 5
Thời gian chuẩn bị: 4 giờ
Thời gian nấu: 30 phút

Nguyên liệu

  • 300g gừng
  • 200g đường trắng
  • 1 quả chanh

Lưu ý về nguyên liệu

Vì gừng có vị thơm rồi nên khi làm mứt gừng các bạn không cần phải dùng thêm vani hay tinh dầu, hương liệu gì như những món mứt khác.

Tuy nhiên có 1 lưu ý, để làm mứt gừng ngon, không quá cay thì các bạn nên chọn loại gừng bánh tẻ, nghĩa là không quá già và không quá non, có màu vàng chanh tươi, vỏ sáng màu. Ngoài ra, chọn những miếng gừng bản to, ít chồi non nhỏ, căng mọng để khi thái miếng được to, không bị vụn.

gừng bánh tẻ

Cách làm

Sơ chế gừng

Bạn có thể dùng dao để gọt vỏ hoặc cạo vỏ gừng rồi rửa sạch. Hoặc bạn cũng có thể xả gừng dưới vòi nước rồi dùng muỗng thìa để nạo vỏ, rất dễ bong mà không bị lẹm quá sâu vào thịt gừng.

Nếu có thời gian, bạn có thể ngâm gừng trong nước lạnh khoảng 30p, vỏ gừng cũng dễ bong ra, lúc này chỉ cần lấy muỗng cạo nhẹ là được.

Gừng sau khi rửa sạch, mình thái gừng thành những lát có độ dày khoảng 0,15-0,2cm. Không nên thái gừng miếng quá dày, bởi vì mứt sau khi sên dễ bị chảy nước.

gừng gọt vỏ

Thái gừng thành những lát có độ dày khoảng 0,15-0,2cm.

thái gừng
Không nên thái gừng miếng quá dày, mứt sau khi sên dễ bị chảy nước.

Gừng sau khi thái miếng bạn mang đi luộc để khử bớt vị cay của gừng. Nấu 1 nồi nước, khi nước sôi, hạ bếp xuống mức lửa vừa và vắt nước cốt chanh (1 quả) vào. Chanh giúp cho gừng giữ được màu vàng tươi cũng như mềm, dẻo hơn.

Sau đó cho gừng vào luộc trong khoảng 2-3 phút để khử bớt vị cay. Tiếp đến vớt gừng ra xả lại thật sạch. Sau đó tiếp tục đem gừng luộc lần 2. Lần luộc này không cần cho chanh, tránh gừng bị chua. Luộc xong bạn lại vớt ra, xả lại nước. Nếu gừng vẫn còn cay nhiều, bạn có thể luộc thêm lần 3.

luộc gừng
Luộc gừng để giảm bớt vị cay

Gừng sau khi luộc, bạn nhớ rửa lại và để thật ráo nước.

Ướp đường

Cho gừng vào bát để ướp đường. Lượng đường khi làm mứt các bạn cho tỷ lệ ít nhất bằng 1/2 so với lượng gừng. Bạn có thể cho thêm đường nếu thích ăn ngọt nhưng không được ít hơn. Vì nếu ít đường quá sẽ không thể bung phấn lên được, sên mãi mứt cũng không thể khô. 

Như ở đây với 300g gừng bạn ướp cùng với 200g đường. 

ướp gừng

Thời gian ướp đường khoảng 3-4 tiếng. Thỉnh thoảng bạn có thể đảo nhẹ để đường nhanh tan.

Sên mứt gừng

Khi đường tan, lúc này miếng gừng thấm đường, có màu khá trong và có độ dẻo. Thớ gừng hơi gieo lại so với ban đầu.

Cho hỗn hợp gừng ngâm đường vào chảo. Ban đầu bạn để lửa ở mức nhỏ vừa, ví dụ như bếp có 8 chế độ, bạn chỉnh ở mức 3 là phù hợp. Để đường sôi nhẹ, không đảo cho gừng thấm đường và không bị tình trạng lại đường sau khi sên.

sên mứt gừng

Khi thấy nước đường rút lại còn khoảng 1/2 so với ban đầu, nước bắt đầu sánh lại thì bạn hạ lửa xuống 1 mức, đảo nhẹ.

Đến khi thấy đường và gừng dính vào nhau, đảo thấy nặng tay thì hạ về mức lửa thấp nhất. Lúc này đảo đều tay, khi thấy gừng khô và rời nhau, đường bung phấn trắng thì tắt bếp. Tiếp tục để chảo trên bếp và đảo thêm 5-10 phút. Tính trung bình thời gian sên mứt gừng khoảng 30-35 phút.

Lưu ý khi sên mứt gừng, bạn cần để ý đến màu sắc của miếng mứt. Nếu thấy mứt vẫn còn màu vàng đậm và sờ ở giữa thấy hơi ướt, bạn cần tiếp tục sên đến khi nó khô hẳn. Bề mặt miếng mứt phủ đều đường, có màu trắng, sờ vào thấy khô ráo là được. Làm như vậy thì mứt gừng mới bảo quản được lâu mà không bị chảy nước.

sên mứt gừng

Cuối cùng đeo bao tay thực phẩm, bóp nhẹ để đường bám đều lên mứt hơn. Đây chính là một mẹo rất hay, giúp miếng mứt gừng thẳng thớm hơn, lớp đường cũng áo nhẹ phủ đều lên bề mặt miếng mứt, giúp mứt khi ăn không bị quá ngọt. Mứt sau khi sên sẽ có màu trắng nhạt, khô ráo.

sên mứt gừng

Để bảo quản được mứt gừng lâu hơn, sau khi sên bạn có thể đem phơi nắng 4-6 giờ, hoặc sấy nhẹ bằng lò nướng hay nồi chiên không dầu ở nhiệt độ thấp, tùy chỉnh theo từng loại lò và nồi chiên không dầu. Khi sấy mứt bằng 2 loại dụng cụ này các bạn cần chủ động kiểm tra để tránh mứt gừng không bị quá khô và sẽ bị cứng. Hoặc bạn cũng có thể cho mứt gừng 'nghỉ" 30 phút sau đó cho lại vào chảo, sên thêm 5-6 phút ở lửa nhỏ nhất để mứt thật sự khô ráo.

mẹt mứt gừng
món mứt gừng
Mứt gừng sau khi khô ráo sẽ ngả sang màu vàng nhạt, bề mặt miếng mứt khô ráo, mứt dẻo, thơm và có vị ấm nồng.
lọ mứt gừng
Mứt gừng sau khi nguội cho vào hũ/lọ, đậy nắp kín và cất ở nơi thoáng mát.

Video

Bài viết này có hữu ích với bạn không?
cutlery cutlery icon