Cách làm sắn hấp cốt dừa lá nếp thơm lừng, dẻo ngon

02 Tháng 11, 2023 4 phút đọc

Điều cần chú ý nhất trong cách làm sắn hấp cốt dừa nằm ở khâu sơ chế sắn để khử hết chất nhựa, độc hại có trong nó và canh nhiệt độ để sắn hấp có độ chín dẻo, ngọt thơm và không bị sượng.

món sắn hấp nước cốt dừa ngon
Sắn hấp cốt dừa
Khẩu phần ăn: 4
Thời gian chuẩn bị: 10 phút
Thời gian nấu: 45 phút

Nguyên liệu

  • 850g sắn (khoai mì)
  • 300ml nước dừa tươi
  • 800g cùi dừa
  • Muối hạt
  • Đường trắng
  • 3-4 nhánh lá dứa
  • Lạc vừng ăn kèm
  • 20g mè đen, mè trắng (nếu có)
Nguyên liệu làm Sắn hấp cốt dừa
Nguyên liệu

Lưu ý về nguyên liệu

Sắn các bạn chọn những củ vỏ còn có độ tươi, ẩm. Các mủm đầu, ngọn hay các vết cắt cũ còn mới, không bị mốc, úa. Tốt nhất khi mua bạn nên nhờ người bán gọt thử 1 phần nhỏ nơi đầu mủm để kiểm tra, nếu ruột sắn trắng tinh thì chọn. Bởi vì nhiều khi vỏ bên ngoài rất sạch đẹp nhưng bên trong ruột sắn bị chảy nhựa đen hoặc bị hà, sùng.

2 củ sắnĐể làm sắn hấp cốt dừa, bạn có thể dùng sắn dẻo, sắn bở, sắn trắng hay sắn vàng đều được. Giá bán sắn trên thị trường hiện nay dao động từ 13.000 đồng - 15.000 đồng/kg.

Nước cốt dừa các bạn có thể mua loại đóng sẵn lọ. Nếu có thời gian thì mua cùi dừa tươi về làm nước cốt dừa, nó có độ thơm và tươi mới hơn.

cùi dừa tươiDùng cùi dừa tươi để làm nước cốt dừa

mè đen và mè trắngMè trắng, mè đen có cũng được, không có cũng chẳng sao. Cá nhân Cookbeo thấy có thêm mè rang thì khi ăn sắn hấp cốt dừa sẽ thơm bùi hơn.

Cách làm

Sơ chế sắn

Sắn gọt 2 mủm đầu, cắt sâu 1 chút vì những chỗ này thường tích tụ khá nhiều độc tố. Tiếp đến tách vỏ sắn hoặc gọt, cả lớp vỏ màng mỏng màu nâu bên ngoài và lớp cứng màu trắng hồng nhạt bên trong. Có nhiều cách tách vỏ sắn, đơn giản nhất bạn cắt sắn thành những khúc ngắn có độ dài khoảng 6-7cm, khía dọc thân khúc sắn rồi dùng dao lách vỏ ra.

Dù có nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng trong củ sắn (hay củ khoai mì) lại chứa 1 lượng acid cyanhydric có thể gây say và nặng hơn có thể ngộ độc. Lượng acid này tập trung nhiều ở vỏ sắn, lõi xơ ở giữa củ sắn và 2 đầu củ. Tuy nhiên acid này lại bị biến mất khi hòa tan trong nước và chế biến ở nhiệt độ cao. Chính vì thế khi mua sắn về bạn nên gọt sâu vỏ, ngâm kỹ sắn để ăn được an toàn hơn và chỉ nên ăn các món sắn luộc, sắn đã hấp chín hay nướng chín.

Rửa lại thật sạch rồi ngâm ngập trong nước pha muối. Thời gian ngâm sắn ít nhất là 3-4 tiếng, tốt nhất nếu có thời gian  nên để qua đêm với thời gian ngâm trên 12 tiếng. Trong quá trình ngâm nên thay nước, kì lại sắn rồi ngâm nước muối mới để khử bỏ các loại độc tố, nhựa mủ có trong sắn.

ngâm sắn
Sơ chế sắn

Sơ chế các nguyên liệu khác

Cùi dừa nạo phần vỏ nâu, rửa sạch rồi bào sợi nhỏ. Phần lớn sợi dừa nạo sẽ dùng để làm nước cốt dừa, phần nhỏ còn lại dùng để ngào cùng với 1 chút đường và hấp cùng với sắn và nước cốt dừa ở bước cuối cùng. 

Để làm nước cốt dừa, mình cho dừa sợi ra bát, đổ 300ml nước nóng (80-90 độ) vào, khuấy đều và để ngâm khoảng 1 phút, sau đó chắt lấy phần nước cốt dừa này ra bát riêng. Đây là nước cốt dừa dùng để hấp cùng sắn.

Tiếp tục đổ thêm 400ml nước nóng vào tô dừa sợi, ngâm và chắt lấy nước lần 2, cho ra bát riêng. Đây là nước dão dừa hay còn gọi là rảo dừa, sẽ tận dụng để luộc sắn cùng với nước dừa tươi cho ngọt thơm.

lá nếp
Lá dứa rửa sạch, buộc gọn lại với nhau.

Mè rang chín vàng ở nhiệt độ nhỏ.

Cách làm lạc vừng tương tự như làm muối vừng các bạn có thể tham khảo ở bài viết này. Ngoài mè và lạc vừng, đậu phộng thì nhiều người khi làm sắn hấp cốt dừa có cho thêm hành lá hoặc mỡ hành ăn cùng. Nên tùy vào sở thích mà các bạn có thể chủ động làm những món ăn kèm.

Luộc sắn

Trước khi hấp cùng với nước cốt dừa thì cần phải luộc hoặc hấp sắn chín trước đã. Ở đây sắn sau khi ngâm sẽ rửa lại sạch sẽ, sau đó xếp vào nồi. Tiếp đến mình đổ 300ml nước dừa tươi, 400ml nước dão dừa vào để luộc sắn. Và cho thêm 1 thìa cà phê muối hạt vào luộc cùng để sắn được đậm vị hơn.

Để luộc sắn thì các bạn đổ phần nước ngang 1 nửa sắn hoặc xâm xấp mặt sắn hay hơi ngập mặt sắn là được. Sau đó bật lửa vừa cho sôi, sau khi sôi rồi hạ nhỏ lửa xuống, sôi liu riu, đậy nắp nồi và hấp sắn ở nhiệt độ thấp vì sắn chín hơi. Để nhiệt độ cao nước dừa sẽ nhanh cạn và cháy dính dưới đáy nồi trong khi sắn lại chưa chín. Mặt khác, nấu nước dừa ở lửa lớn cũng sẽ khiến cho sắn bị sẫm màu.

Với khoảng 850g sắn sau khi gọt mủm đầu, ngọn và vỏ sẽ còn lại tầm 700g. Thời gian luộc chín 700g sắn trung bình khoảng 45-50 phút. Ngoài luộc sắn như thế này, các bạn cũng có thể hấp sắn bằng xửng, thời gian lâu hơn so với luộc 1 chút. 

Trong thời gian đợi luộc sắn chín thì đi ngào dừa sợi cùng với 1 chút đường. Cho gần hết số dừa sợi còn lại vào chảo. Có thể giữ lại 1 ít sợi dừa tươi lát rắc lên trên để tăng thêm phần đẹp mắt cho món ăn.
 
Cho ít đường trắng (khoảng 1 thìa canh đường trắng) hoặc các bạn cũng có thể dùng sữa đặc. Bật bếp ở lửa nhỏ vừa, đảo đều tay cho đường tan và thấm quyện vào sợi dừa. Dừa ngào đường như thế này ăn ngon, thơm, dai dai, có vị ngòn ngọt hấp dẫn và đặc biệt là ăn ấm bụng. Bởi vì nhiều người bụng yếu khi mà ăn sợi dừa tươi nhiều hay bị đầy bụng và cả đau bụng nữa thì xào lên như thế này vừa ngon vừa yên tâm hơn khi ăn.

Xào dừa đến khi đường tan và thấm quyện vào dừa là được rồi tắt bếp và cho riêng ra bát.

Hấp sắn cốt dừa

Sau khoảng 45 phút, lúc này sắn cũng đã chín rồi. Để kiểm tra xem sắn chín chưa, bạn có thể dùng đũa xiên qua thân sắn, nếu xiên mềm, bở là sắn đã chín.

Nước luộc sắn lúc này cũng đã gần cạn rồi, bạn có thể chắt bớt đi cũng được để lát hấp cùng nước cốt dừa.

Trước khi cho nước cốt dừa vào để hấp, bạn hòa thêm với 1 chút đường, khoảng 1-2 thìa canh đường để nó thấm ngọt vào sắn. Sau đó cho 300ml nước cốt dừa này vào nồi. Xóc, lắc nồi và đảo mặt sắn cho sắn thấm đều cốt dừa.

hấp sắn
Cho lá dứa tươi vào hấp cùng.

Bật bếp ở lửa nhỏ vừa, hấp thêm khoảng 12-15 phút nữa. Thỉnh thoảng bạn nhớ lật mặt cho sắn thấm đều nước cốt dừa. Trước khi tắt bếp khoảng 3 phút, cho phần dừa xào vào hấp cùng.

Khi sắn đã thấm quyện bùi ngậy, béo thơm và nước cốt dừa cũng đã sánh lại, sền sệt rồi tắt bếp. Cho sắn ra đĩa, rắc thêm ít sợi dừa tươi, lạc vừng và mè.

món sắn hấp cốt dừa
Thành phẩm cách làm món sắn hấp cốt dừa

Yêu cầu thành phẩm

món sắn hấpSắn hấp cốt dừa thơm lừng, ngậy béo. Sắn chín mềm, dẻo, ngọt thơm mùi dừa, màu trắng phau trông rất thích mắt, thoảng mùi thơm thanh của lá dứa vô cùng hấp dẫn.

món sắn hấp cốt dừa ngonCó thể ăn không hoặc chấm cùng với lạc vừng hay chấm đường rất bùi ngon.

món sắn hấp nước cốt dừa ngonSắn hấp nên ăn lúc nóng, và các bạn lưu ý không nên ăn nhiều lúc bụng đang đói để tránh bị say.

Video

Thông tin thêm

Sắn là cây lương thực quen thuộc ở các vùng nông thôn nước ta. Sắn còn có tên gọi khác là khoai mì, hoặc nhiều nơi cũng gọi là củ đậu.

Trong củ sắn có chứa nhiều hàm lượng tinh bột, protein, chất béo, chất xơ, muối khoáng và vitamin. Tuy nhiên, mặc dù chứa nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng trong củ sắn và lá sắn cũng hàm chứa liều lượng HCN- 1 loại độc tố đáng kể mà nếu ăn phải liều lượng lớn (>50mgHCN/50kg thể trạng) có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, ăn sắn lúc đói cũng có thể gây ra tình trạng hoa mắt, chóng mặt, nôn mửa... gọi chung là say sắn.

Trẻ em cũng không nên ăn nhiều sắn, theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng.

Chính vì vậy, dù là lương thực ngon nhưng khi sử dụng, các bà nội trợ nên cẩn trọng trong quá trình chế biến sắn.

Như vậy là với 1 vài bước đơn giản, bạn đã có thể chế biến món sắn hấp cốt dừa - 1 món ăn vặt cũng được xếp vào hàng khoái khẩu của rất nhiều người, vừa thơm ngon lại không lo bị độc hại.

Chúc các bạn thành công!

Bài viết này có hữu ích với bạn không?
cutlery cutlery icon