Cách làm lẩu riêu cua đồng tại nhà ngon bất bại

10 Tháng 05, 2024

Lẩu riêu cua có vị ngọt từ cua đồng, chua dịu của dấm bỗng, bùi thơm của các nguyên liệu nhúng ăn kèm như bắp bò, sườn sụn non, rau và nấm. Đặc biệt, gạch cua được chế biến theo cách mà Cookbeo chia sẻ dưới đây sẽ khiến các bạn phải xuýt xoa vì độ bùi ngậy, đậm đà, nhất là khi chấm lẩu và ăn cùng bún hến hoặc bún lá.

Lẩu riêu cua
Lẩu riêu cua
Khẩu phần ăn: 6
Thời gian chuẩn bị: 1 giờ
Thời gian nấu: 30 phút

Nguyên liệu

Nguyên liệu chính

  • 1,5-2kg cua đồng
  • 700g cà chua
  • Dấm bỗng
  • 4-5 củ hành khô
  • 50g hành lá
  • Mỡ gà
  • Gia vị nêm nếm thông thường

Nguyên liệu ăn kèm lẩu riêu cua

  • 500g bắp bò
  • 500g diềm thăn giòn
  • 300g sườn sụn non
  • 300g ba chỉ bò Mỹ
  • 2 bìa đậu phụ
  • Váng đậu
  • Hành phi
  • Nấm các loại: kim châm, hải sản, đùi gà, bào ngư...
  • Rau muống, mồng tơi, khoai lang, rau đay, mướp hương, bầu, hoa chuối
  • Rau thơm: kinh giới, tía tô, húng láng, húng quế, rau mùi ta, xà lách

Nước chấm lẩu riêu cua

  • Gia vị tiêu chanh ớt
  • Gạch cua chưng
Nguyên liệu làm Lẩu riêu cua
Nguyên liệu

Lưu ý về nguyên liệu

  • Cua đồng chọn con sống, chạy khỏe, con cái thì nhiều gạch, rồi sơ chế sạch sẽ.

dấm bỗng không thể thiếu khi nấu lẩu riêu cua

  • Hương vị đặc trưng của lẩu riêu cua là ngọt nhẹ, chua dịu và thanh thơm của dấm bỗng. Dấm bỗng các bạn có thể tìm mua ở chợ, ở các hàng tạp hóa hay cửa hàng bán bún, phở.
  • Những nguyên liệu ăn kèm lẩu riêu cua các bạn có thể chuẩn bị tùy vào điều kiện và thời gian. Liều lượng thêm bớt cho phù hợp. Nhưng nhìn chung, rau ăn kèm lẩu riêu cua sẽ có hoa chuối, mồng tơi, rau muống... rau thơm có tía tô, kinh giới. Phần thịt thì nên có bắp bò, diềm, sụn non... ăn cùng lẩu riêu cua rất hợp vị.

mỡ gà sẽ giúp cho lẩu riêu cua thơm bùi hơn

  • Ngoài ra bạn nên chuẩn bị ít mỡ gà, chưng lên lấy dầu thì nấu riêu cua sẽ thơm, bùi hơn. Cùng với đó, nên có thêm hành phi. 

Cách làm

Sơ chế nguyên liệu chính

Khi mua cua đồng, các bạn nhờ người bán sơ chế luôn hoặc có thể tự làm cua tại nhà. Cua đồng sau khi sơ chế xong sẽ gồm có gạch cua và thân cua xay nhuyễn.

Thân cua các bạn cho vào bát lớn để tiến hành lọc lấy nước thịt cua. Đổ nước vào, lượng nước gấp 3 lần so với phần cua xay. Dùng tay bóp để thịt cua tách ra khỏi xương cua. Sau đó khuấy đều, nghiêng thành bát. Lúc này thịt cua nhẹ hơn sẽ trôi lơ lửng phía trên, phần xương cua nặng hơn sẽ lắng xuống dưới đáy. Bạn chắt lấy phần nước thịt cua cho vào nồi. Chắt đến khi thấy gần đến phần xương cua thì dừng lại.

Tiếp tục cho nước lã vào bát để lọc thêm. Cũng bóp, khuấy đều rồi chắt lấy nước thịt cua. Đến khi các bạn thấy nước lọc cua nhạt màu nghĩa là thịt cua cũng thu được gần như hết rồi. Bạn bỏ phần bã xương cua đi.

Nước cua sau khi lọc

Với lượng nguyên liệu cua trong bài viết này, Cookbeo sẽ thu được hơn 8 lít nước cua. Đủ để dùng làm lẩu riêu cua và còn tận dụng để nấu bún riêu cua nữa.

Sau khi lọc cua, bạn sơ chế cà chua. Cà chua rửa sạch, bổ múi cau to.

Hành khô bóc vỏ, thái lát mỏng.

Hành lá cắt khúc dài 2-3cm.

Sơ chế các nguyên liệu ăn kèm lẩu riêu cua

Rau và nấm ăn kèm lẩu cua đồng bạn nhặt, ngâm rửa nước muối sạch sẽ. Mồng tơi, rau muống thì lấy ngọn non, bầu và mướp hương nạo vỏ, cắt lát chéo có độ dày 2cm. Nấm cắt chân gốc, ngâm rửa xong thì tẽ nhỏ/cắt lát nhỏ. Hoa chuối ngâm rửa nước muối, để ráo nước.

Các loại rau thơm như tía tô, kinh giới... thái rối.

Đậu phụ cắt miếng nhỏ, chiên vàng giòn.

Váng đậu nên chiên phồng để tăng độ bùi thơm.

Hành phi và tóp mỡ có thể mua ngoài hoặc tự làm tại nhà. 

Các loại thịt bắp bò, sườn sụn non, diềm giòn... thái lát mỏng. Bảo quản trong tủ lạnh, gần ăn mới lấy ra.

Nấu nước dùng lẩu riêu cua

Phần nước cua sau khi lọc xong, các bạn nêm 1 ít bột canh và bột ngọt. Khuấy đều theo 1 chiều cho thịt cua cuốn vào nhau.

Bật bếp nấu ở mức lửa vừa. Thỉnh thoảng dùng đũa khuấy nhẹ dưới đáy nồi, tránh tình trạng thịt cua bám dính dưới đáy.

Nấu nước cua

Khi nước nóng rồi chuyển đến gần sôi, thịt cua sẽ tách dần lên trên bề mặt nước. Lúc này các bạn vẫn tiếp tục dùng đũa khuấy nhẹ cho thịt cua nổi lên hết và bám vào nhau tạo thành từng tảng bánh. 

Khi nước gần sôi, hạ nhỏ lửa xuống. Vì để lửa lớn, nước cua dễ bung trào ra ngoài và sẽ khiến cho phần bánh thịt cua bị vỡ vụn, không đóng bánh được.

Khi nước sôi, hạ về mức lửa nhỏ nhất, đậy nắp nồi, nấu thêm 2-3 phút cho phần bánh thịt cua này chín hẳn và có độ bám dính vào nhau.

Bánh thịt cua sau khi nấu

Sau đó tắt bếp, vớt bánh cua ra 1 bát riêng.

Xào cà chua

Xào cà chua

Bước tiếp theo, cho 2 thìa canh dầu mỡ gà vào 1 cái chảo, dầu nóng thì phi thơm nửa số hành khô thái lát. Sau đó cho cà chua vào. Xào nhanh ở lửa lớn, khi cà chua thấm đều dầu thì cho hành lá vào. Đảo đều, xào thêm 20 giây thì tắt bếp, cho phần cà chua này vào nồi nước cua nãy các bạn vừa nấu xong.

Chưng gạch cua

Phi thơm 2 thìa canh dầu mỡ gà + 2-3 thìa canh dầu màu điều (giúp gạch cua đậm màu hơn) cùng với nốt số hành khô còn lại. 

Chưng gạch cua

Khi hành vàng thơm, hạ mức lửa nhỏ nhất rồi trút phần gạch cua vào, đảo đều. Khi chưng gạch cua các bạn để lửa nhỏ vì gạch cua ít, rất dễ bị cháy khét.

Khi gạch cua sôi, tắt bếp. Bạn múc 1 nửa số gạch cua chưng cho vào nồi nước cua. Mục đích tạo màu, tạo hương vị và cả màu sắc cho nước dùng lẩu riêu cua.

Cho nửa số gạch cua chưng vào nồi nước dùng

Đối với nửa số gạch cua chưng còn lại, các bạn bật lại bếp ở mức lửa nhỏ, sau đó nêm thêm nước mắm cho vừa vị. Nếu ăn được cay thì thêm chút sa tế. Và nên cho 1 ít hành phi vào. Chưng hỗn hợp này đến khi sôi thì tắt bếp, múc ra bát riêng. Gạch cua chưng này sẽ dùng làm chấm lẩu cua, và nhất là nếu các bạn chấm bún lá hoặc bún hến với nước gạch cua này sẽ cảm thấy rất bùi ngậy, ngon miệng.

Nước chấm lẩu từ gạch cua chưng, chấm cùng bún rất ngon
Nước chấm lẩu từ gạch cua chưng, chấm cùng bún rất ngon

Ngoài gạch cua chưng, nước chấm lẩu cua các bạn pha thêm ít gia vị tiêu chanh ớt.

Làm lẩu riêu cua

Sau khi đã chưng gạch cua, làm nước chấm... lúc này bạn cho nồi nước dùng cua lên bếp. Bật bếp ở mức lửa lớn vừa, khuấy đều. Khi nước dùng sôi, bạn nêm nếm gia vị gồm có bột canh, xíu bột ngọt, nước mắm và quan trọng nhất là dấm bỗng. 

Khi nêm nước dùng lẩu, bạn không nêm quá đậm, vì càng nhúng lẩu nước dùng càng đậm. Tuy nhiên hương vị chủ đạo của nước dùng lẩu riêu cua vẫn là vị chua dịu của dấm bỗng và cà chua.

Sau khi nêm nếm, bạn tắt bếp, chuyển nước dùng sang nồi lẩu chuyên dụng. Sắp xếp bày biện thịt, rau, nấm... ăn kèm.

Nước dùng lẩu riêu cua đồng

Lẩu riêu cua ngon và đẹp mắt, rất hấp dẫn. Lẩu riêu cua có vị ngọt từ cua đồng, chua dịu của dấm bỗng, bùi thơm của các nguyên liệu nhúng ăn kèm như bắp bò, sườn sụn non, rau và nấm, hành phi... Đặc biệt, gạch cua được chế biến theo cách mà Cookbeo chia sẻ trong bài viết này là một điểm nhấn hấp dẫn về hương vị.

Lẩu riêu cua đồng bắp bò sườn sụn non
lẩu riêu cua ăn cùng bắp bò, sườn sụn non, hành phi, nấm, rau muống, mồng tơi...
Lẩu riêu cua ăn cùng bắp bò, sườn sụn non, hành phi, nấm, rau muống, mồng tơi...

Chúc các bạn nấu thật ngon món lẩu này!

Bài viết này có hữu ích với bạn không?
cutlery cutlery icon