Cách làm gỏi bao tử heo thập cẩm ăn giòn sần sật

08 Tháng 11, 2020 5 phút đọc

Bữa tối cuối tuần, được nhâm nhi đĩa nộm bao tử (nộm dạ dày) thập cẩm đủ vị chua cay mặn ngọt quả thực còn gì tuyệt bằng.

Gỏi bao tử thập cẩm
Gỏi bao tử thập cẩm
Khẩu phần ăn: 4
Thời gian chuẩn bị: 35 phút
Thời gian nấu: 7 phút

Nguyên liệu

  • 150g bao tử heo
  • 3 trái dưa chuột
  • 1 củ cà rốt
  • Rau thơm: Rau kinh giới, bạc hà, húng chó
  • 1-2 trái ớt tươi
  • 1 củ tỏi ~ 4-5 tép tỏi
  • 2 nhánh sả
  • 1 đốt gừng
  • 2 quả chanh
  • Muối hạt
  • Đường trắng
  • Hạt tiêu
  • Đậu phộng rang
nguyên liệu làm Gỏi bao tử thập cẩm
Nguyên liệu

Cách làm

Sơ chế bao tử

Bao tử lợn thuộc nội tạng nên chứa nhiều chất bẩn, nhớt và có mùi hôi đặc trưng. Để làm sạch bao tử lợn và khử mùi hôi của bao tử, bạn sơ chế như sau:

Cho bao tử vào tô lớn, cho 2 thìa muối hạt, 1 bát con rượu trắng hoặc rượu gừng vào để bóp cùng. Nếu không có rượu, bạn có thể thay bằng nước cốt chanh hoặc dấm gạo. Quá trình khử sống bao tử lợn, bạn nhớ lưu ý lộn mặt bên trong ra ngoài và xát kỹ.

làm sạch bao tử

Sau khi bóp muối rượu tầm 3 phút thì rửa sạch lại bao tử.

Nấu 1 nồi nước để chần qua bao tử. Khi nước già sôi thì cho bao tử vào chần cùng với 1 nhúm muối hạt trong khoảng 30 giây, sau đó vớt ra, rửa sạch. Mục đích của việc chần nhằm khử các tạp chất bẩn có trong bao tử được bay hơi. Trong quá trình chần bao tử không nên đậy nắp nồi.

Luộc bao tử

Cho bao tử vào nồi, đổ nước ngập mặt rồi luộc sôi. Để bao tử heo được thơm, cho vào nồi luộc vài lát gừng tươi và sả đập dập. Gừng và sả không những giúp khử mùi hôi mà còn giúp bao tử sạch hơn. Thời gian luộc bao tử chín tầm 7-10 phút. 

luộc bao tử

Sau khi bao tử chín, vớt ra ngâm vào tô nước lọc đá. Việc ngâm vào tô nước đá sau khi luộc giúp bao tử giòn hơn. Đặc biệt, 1 mẹo hay giúp bao tử luộc trắng phau đó là bạn nhớ vắt thêm 1 ít nước cốt chanh vào tô nước đá.

ngâm bao tử heo trong tô nước đá

Ngâm bao tử tầm 5 phút rồi vớt ra, để ráo rồi thái sợi. Lưu ý không nên thái quá dày, khi ăn dễ bị dai.

Để bao tử đậm vị, bạn nên ướp bao tử cùng với 1 thìa cà phê nước mắm và 1 chút hạt tiêu xay, trộn đều.

Sơ chế các nguyên liệu khác

Đậu phộng rang giã thô.

Các loại rau thơm nhặt lá và cọng non, rửa sạch, để ráo rồi xắt nhỏ.

Dưa chuột rửa sạch, gọt vỏ, cắt bỏ phần đầu phần đuôi, bổ dọc làm 4 rồi thái lát mỏng, dài tầm 3cm. Nếu dưa chuột già, nhiều ruột, bạn có thể bỏ bớt phần ruột đi để khi bóp nộm, dưa chuột không bị nhũn và chảy nhiều nước.

Cà rốt nạo vỏ, thái sợi.

Tỏi bóc vỏ, băm nhỏ. Ớt tươi băm nhỏ.

sơ chế dưa chuột, cà rốt và rau thơm

Pha chế nước trộn gỏi

Khi làm nộm (gỏi) bao tử, bạn nên pha nước trộn nộm đậm hơn so với các loại nộm khác như nộm sứa hay nộm tai heo, bởi vì bao tử dai và dày nên độ thấm gia vị của nó khó hơn.

Với lượng nguyên liệu như trên, nước trộn nộm bao tử được pha chế theo tỷ lệ như sau: 3 thìa nước mắm, 1,5 thìa đường trắng, 2 thìa nước lọc, 2-3 thìa nước cốt chanh, sau đó khuấy đều để đường tan. Tiếp đến cho ớt băm và cuối cùng là tỏi băm.

 

Trộn gỏi bao tử heo

Cho dưa chuột, cà rốt, rau thơm và bao tử vào tô lớn rồi rưới hỗn hợp nước trộn nộm vừa pha chế lên, sau đó nhẹ nhàng trộn đều tất cả các nguyên liệu để thấm gia vị. Sau khi đã trộn đều, nên để nộm 'nghỉ' tầm 5 phút, rồi cho ra đĩa, rắc đậu phộng lên.

trộn gỏi bao tử heo

Lưu ý, nguyên tắc khi làm nộm hay salad là không được để nước đọng lại dưới đáy đĩa. Chính vì thế, bạn không nên cố rưới nước nộm lên sau khi đã cho thành phẩm ra đĩa. Thực tế, khi trộn nộm và để nộm 'nghỉ' tầm 5 phút thì các nguyên liệu cũng đã thấm đủ gia vị rồi.

món gỏi bao tử heo

Trên đây là những gì cần lưu ý khi làm nộm bao tử thập cẩm, hy vọng với những chia sẻ của Cookbeo, bạn sẽ tự tin hơn khi thực hiện món ăn này. Chúc các bạn thành công!

Chủ đề liên quan: Món ngon từ dạ dày lợn
Bài viết này có hữu ích với bạn không?
cutlery cutlery icon