Cách làm chân giò hầm thuốc bắc ngọt thơm, thanh trong

27 Tháng 12, 2021

Cách làm chân giò hầm thuốc bắc không hề cầu kỳ, chỉ cần chú ý 1 chút trong cách sơ chế chân giò và lúc hầm để nước dùng ngọt thanh và trong là được.

Chân giò hầm thuốc bắc
Chân giò hầm thuốc bắc
Khẩu phần ăn: 3
Thời gian chuẩn bị: 10 phút
Thời gian nấu: 50 phút

Nguyên liệu

  • 1-2 chân giò heo ~ 700g
  • 2 gói gia vị thuốc bắc nhỏ
  • 50g hạt sen và táo đỏ (nếu có)
  • Rau ngải cứu (nếu thích)
  • Muối hạt
  • 1 đốt gừng
  • Mật ong
  • Gia vị: Nước mắm, bột ngọt, bột canh
Nguyên liệu làm Chân giò hầm thuốc bắc
Nguyên liệu

Cách làm

Sơ chế nguyên liệu

Chân giò cạo sạch màng bẩn, nhất là ở các kẽ ngón chân. Sau đó bóp muối hạt, rửa sạch rồi chặt thành những khoanh tròn nhỏ vừa ăn.

Sơ chế các nguyên liệu khác

Gừng tươi rửa sạch, đập dập hoặc thái lát mỏng.

Gia vị thuốc bắc bạn nên cho ra rổ và rửa sạch lại để trôi hết bụi bẩn, để ráo.

Nếu sử dụng thêm hạt sen và táo đỏ, bạn nên ngâm qua trước khi chế biến. Trong đó nếu dùng hạt sen tươi thì bạn nên luộc qua để khử vị chát. Còn dùng hạt sen khô phải ngâm khoảng 20-30 phút cho hạt sen mềm, sau đó rửa sạch lại. Đối với táo đỏ, chỉ cần ngâm khoảng 15 phút là táo mềm.

Trong gói gia vị thuốc bắc có hạt ý dĩ màu trắng, tròn nhỏ. Hạt ý dĩ có tác dụng giải nhiệt tuy nhiên nó lại hút nước nên thường cho quá nhiều hạt này sẽ hút chất ngọt tiết ra từ chân giò và các gia vị thuốc bắc khác. Chính vì vậy bạn cho 1 liều lượng vừa phải loại hạt này khi chế biến.

Rau ngải cứu nhặt lấy lá xanh và ngọn non, ngâm rửa nước muối sạch sẽ. Vì rau ngải cứu có vị đắng, nên không phải ai cũng sử dụng được khi hầm cùng với thuốc bắc. Tuy nhiên, nếu thích ngải cứu nhưng muốn giảm vị đắng của loại rau này, bạn có thể luộc qua rau, sau đó xả lại nước, để ráo. Khi món ăn gần hoàn thành, bạn cho rau vào, vừa không bị đắng mà rau cũng rất xanh, làm cho tô chân giò hầm thuốc bắc vô cùng đẹp mắt.

Nấu chân giò hầm thuốc bắc

Nấu 1 nồi nước, thả vào đó gừng đập dập và ít muối hạt để chần qua chân giò. Khi nước già sôi, bạn cho chân giò vào chần qua trong khoảng 1-2 phút để làm sạch và khử mùi. Sau đó vớt chân giò ra, rửa lại thật sạch.

luộc chân giò

Cho gia vị thuốc bắc vào nồi, sau đó cho chân giò và hạt sen, táo đỏ (nếu có), tiếp đến đổ nước ngập chân giò.

thịt chân giò và thuốc bắc trong nồi

Ở bước này bạn cho thêm 1 thìa ăn cơm mật ong vào để hầm cùng. Mật ong giúp cho nước hầm ngọt và thơm hơn rất nhiều. Bật bếp để bắt đầu hầm. Khi nấu chân giò hầm thuốc bắc, Cookbeo lưu ý bạn nên chỉnh nhiệt độ bếp ở mức lửa vừa. Lửa lớn thường khiến cho nước hầm bị đục.

Để chân giò mềm và thấm đẫm vị ngọt của thuốc bắc, bạn cần thời gian hầm ít nhất là 30-40 phút. Sau đó nêm gia vị vừa dùng gồm có ít bột ngọt, bột canh và 1 chút nước mắm. Cuối cùng, trước khi tắt bếp, bạn cho rau ngải cứu vào, nấu thêm khoảng 2 phút thì tắt bếp.

nồi chân giò hầm thuốc bắc

Múc chân giò hầm thuốc bắc ra tô và thưởng thức lúc nóng. Chân giò mềm, đậm ngọt, thuốc bắc thơm thơm, nước hầm trong và có vị thanh, thoảng thêm chút đắng nhẹ của rau ngải cứu quả thực vô cùng hấp dẫn. Đây không chỉ là món ăn ngon, nó còn rất bổ dưỡng. Theo nghiên cứu, chân giò hầm thuốc bắc rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt tốt cho xương khớp, tăng cường thể lực, hoạt huyết...

Chân giò hầm thuốc bắc
Thành phẩm món chân giò hầm thuốc bắc

Ngoài chân giò hầm thuốc bắc, bạn cũng có thể chế biến chân giò chiên mắm, chân giò hầm măng tươi hoặc nấu giả cầy từ chân giò heo cũng tuyệt cú mèo. Đây là những món ngon khi chế biến nguyên liệu này mà Coobeo nghĩ bạn không thể bỏ qua đấy!

Chủ đề liên quan: Món giò heo
Bài viết này có hữu ích với bạn không?
cutlery cutlery icon